Ngày đăng bài: 27/11/2015 08:51
Lượt xem: 79252
Kỷ niệm 250 năm ngày sinh danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015)
Đại thi hào Nguyễn Du và những giá trị vượt thời gian trong kiệt tác Truyện Kiều. Nguồn: http://www.ntu.edu.vn

Nguyễn Du (1765 - 1820) sinh tại kinh thành Thăng Long (nay là Thủ đô Hà Nội). Cha là Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm, quê tỉnh Hà Tĩnh làm quan đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê; mẹ là Trần Thị Tần, quê ở Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ nhưThanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên), Văn chiêu hồn, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ,…trong đó, nổi bật là kiệt tác Truyện Kiều - “Đoạn trường tân thanh”. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế lực phong kiến dày xéo, chà đạp.

Về giá trị hiện thực: Tác phẩm đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam.

Về giá trị nhân đạo: Truyện Kiều là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lý và ca ngợi vẻ đẹp của con người. Mối tình Kim - Kiều được xem như bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc. Truyện Kiều còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó.

Về giá trị nghệ thuật: Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân, đã đưa Truyện Kiều, tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử.

Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, Truyện Kiều luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam, là cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa sau này. Truyện Kiều cũng góp phần đưa văn học Việt Nam vượt qua khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.

Với Truyện Kiều nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc. Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 37 của UNESCO tháng 11/2013 chính thức ra nghị quyết vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Đặc biệt, trong năm 2015, lễ vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du sẽ diễn ra trên phạm vi toàn thế giới nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào.

Phạm Quang Huy

Nhận xét